Thời gian ủ bệnh lậu tương đối ngắn và phát triển nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lậu có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe của bệnh nhân.
1. Thời gian ủ bệnh lậu là gì?
Thời gian ủ bệnh lậu được tính từ thời điểm bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn lậu cho tới khi các triệu chứng biểu hiện rõ ra bên ngoài.. Đối với lậu, thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính người bệnh, tình trạng sức khỏe cá nhân, mức độ lây nhiễm…
Trong thời gian ủ bệnh lậu, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh lậu và có thể lây truyền vi khuẩn lậu cho người khỏe mạnh. Cũng trong thời gian này, vi khuẩn lậu có thể tấn công đến các cơ quan khác như niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng và cổ họng.
2. Thời gian ủ bệnh lậu ở nam
Ở nam giới, thời gian ủ bệnh lậu khá ngắn, khoảng 3 – 5 ngày, dao động trong khoảng 1 – 14 ngày. Ngoài ra, thời gian ủ bệnh lậu ở nam giới nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào những yếu tố như: Sức khỏe tổng quát của người bệnh và độ mạnh – yếu của vi khuẩn. với những người có sức đề kháng kém và hệ miễn dịch yếu thì thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn và ngược lại.
- Sự phát triển của bệnh: Do niệu đạo của nam giới dài gấp 5 lần nữ giới nên ở giai đoạn cấp tính, biểu hiện lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ.
- Biểu hiện: Viêm niệu đạo do lậu với triệu chứng mủ chảy ra từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu xanh, trắng hoặc vàng đặc, tiểu buốt, có thể kèm theo tiểu dắt. Với bệnh nhân viêm toàn bộ niệu đạo sẽ có biểu hiện tiểu dắt, tiểu buốt, đi kèm sốt và mệt mỏi;
- Biến chứng: Viêm mào tinh hoàn, thường bị một bên với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau kèm sốt. Nếu viêm mào tinh hoàn 2 bên có thể gây vô sinh. Ngoài ra, bệnh nhân còn có nguy cơ viêm tuyến tiền liệt, viêm túi tinh và ống dẫn tinh.
3. Thời gian ủ bệnh lậu ở nữ
Thời gian ủ bệnh lậu ở nữ thường khó xác định, bởi có đến 50% trường hợp nữ giới bị mắc bệnh lậu không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Nếu có, triệu chứng bệnh lậu ở nữ giới thường xuất hiện trong khoảng 1 – 14 ngày.
Trong thời gian ủ bệnh lậu, nếu có quan hệ tình dục không an toàn vẫn có thể lây bệnh cho đối tác tình dục.
- Sự phát triển của bệnh: Ở điều kiện sinh lý bình thường, niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn so với nam giới, chỉ dài khoảng 3cm, có nhiều tuyến quanh niệu đạo thích hợp cho lậu cầu khuẩn ẩn náu. Sau khi lậu cầu khuẩn xâm nhập cơ thể thông qua niệu đạo, chúng gây viêm tại chỗ niêm mạc đường tiết niệu, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, thoát ra ngoài theo đường nước tiểu, màu trắng hoặc vàng nên gọi là tiểu ra mủ. Phần lớn phụ nữ bị lậu không có triệu chứng rõ ràng, thậm chí có trên 50% trường hợp không có triệu chứng nên nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh lậu, dễ lây nhiễm cho người khác. Số khác có triệu chứng khá nhẹ, dễ bị nhầm là nhiễm trùng âm đạo hoặc bàng quang.
- Biểu hiện: Viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo do lậu gây tiểu buốt, chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt, chảy mủ từ trong niệu đạo hoặc từ cổ tử cung màu xanh hoặc vàng đặc, nhiều, có mùi hôi. Bệnh nhân còn bị đau khi giao hợp và đau bụng dưới, khi khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nề, chạm vào chảy máu, chảy mủ từ ống cổ tử cung, có thể thấy niệu đạo đỏ, chảy mủ hoặc có dịch đục.
- Biến chứng: Gây viêm tuyến Skène, tuyến Bartholin, viêm buồng trứng, viêm vòi trứng và viêm hố chậu, có thể gây thai ngoài tử cung, vô sinh, viêm trực tràng, hậu môn,…
Nữ giới cần thăm khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện bệnh & điều trị kịp thời. Nhất là những chị em làm việc trong môi trường không lành mạnh.
4. Thời gian ủ bệnh lậu ở miệng
Bệnh lậu ở miệng có thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 1 tuần, sau khi quan hệ bằng miệng với người mang mầm bệnh sẽ thấy: Nuốt nước bọt khó, đau rát, viêm loét họng, có thể có đờm mủ, mùi hôi tanh. Tuy nhiên triệu chứng bệnh lậu ở miệng thường dễ nhầm lẫn với viêm họng thông thường, chính vì vậy nếu có nghi ngờ mình bị lây nhiễm, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám.
5. Thời gian ủ bệnh lậu ở hậu môn
Bệnh lậu ở hậu môn thường gặp ở những cặp đồng tính nam, hoặc những người có sở thích quan hệ “cửa sau”. Thời gian ủ bệnh lậu ở hậu môn trung bình khoảng 1 – 14 ngày.
Sự phát triển của bệnh: Sau khi quan hệ với người mang mầm bệnh, sẽ thấy đau rát hậu môn khi đi đại tiện, có mủ chảy ra từ hậu môn, kèm theo đó có thể viêm loét. Người bệnh cần lưu ý tránh nhầm lẫn với các bệnh lý về đường ruột.
Người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nếu có quan hệ qua hậu môn và thấy bất thường sau đó.
5. Thời gian ủ bệnh lậu ở mắt
Vì lậu là bệnh mắc phải chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục không an toàn, hiếm khi người lớn bị bệnh lậu ở mắt. Bệnh lậu mắt thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh lậu có thể bị mắc bệnh viêm kết mạc có mủ (ophthalmia neonatorum) – là bệnh nhiễm trùng màng lót trên bề mặt mắt và mí mắt. Thời gian ủ bệnh lậu ở mắt trẻ nhỏ khoảng 2 – 21 ngày kể từ khi sinh, mắt trẻ sẽ bị sưng phù, đỏ và có mủ vàng. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, trẻ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.
Tóm lại: Thời gian ủ bệnh lậu thường rất ngắn, triệu chứng xuất hiện rầm rộ ở nam giới chính vì vậy người bệnh cần thật bình tĩnh, đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên tự ý mua kháng sinh ở hiệu thuốc điều trị, không những bệnh không khỏi mà còn gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.